Du lịch trong mùa bão: Cách giữ an toàn và giảm thiệt hại

by Thích Vi Vu
0 comment

Du lịch trong mùa bão luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi đối mặt với những cơn bão lớn như Yagi. Nếu bạn đã lên kế hoạch từ trước và hoàn tất các đặt chỗ, thời tiết xấu có thể buộc bạn phải suy nghĩ lại, thậm chí cân nhắc hủy bỏ chuyến đi. Trong bài viết này, Thích Vi Vu sẽ chia sẻ những mẹo thiết thực giúp bạn giữ an toàn và giảm thiểu thiệt hại khi du lịch trong mùa bão.

Du lịch trong mùa bão: Chủ động ứng phó trước

Các tín đồ du lịch tự túc thường có xu hướng đặt vé và lên kế hoạch trước nhiều tháng, để tận dụng các ưu đãi tốt nhất, từ vé máy bay đến đặt phòng khách sạn, tour tham quan. Trường hợp này, những sự kiện bất ngờ như bão sẽ khiến lịch trình bị đảo lộn, nếu các điểm đến chính bị ảnh hưởng nặng nề. Điều quan trọng lúc này là giữ bình tĩnh và chủ động ứng phó trước bão, bằng cách đánh giá nhanh tình hình để ra quyết định: thay đổi hành trình, hoãn lại hay hủy bỏ, với ưu tiên số 1 là an toàn.

Đánh giá tình hình thời tiết, giao thông sau bão

Cập nhật tình hình thời tiết trên các nguồn các đáng tin cậy.

Việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra tình hình tại điểm đến của mình, ngay sau bão. Hãy theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và giao thông từ các nguồn tin cậy như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Cục Đường bộ Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam hay các báo điện tử uy tín. Cập nhật dự báo thời tiết theo thời gian thực từ các ứng dụng như AccuWeather, Windy. Đồng thời, liên hệ các dịch vụ du lịch và người dân địa phương, để nắm rõ tình hình thực tế.

Cần lưu ý, các khu vực địa lý bị ảnh hưởng sau bão, không có nghĩa là tất cả điểm đến trong vùng đó đều nguy hiểm. Nếu bạn du lịch Hà Nội và ở khu vực nội thành sẽ ít bị tác động hơn so với các khu vực ngoại thành, ven sông. Ngay cả ở những tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng, không phải toàn bộ khu vực đều nguy hiểm, vẫn có những nơi an toàn hơn.

Hủy chuyến đi: Cách giảm thiểu thiệt hại

Khi nào nên hủy chuyến đi?

Hãy cân nhắc hủy chuyến đi, nếu rơi vào các tình huống sau:

  • Chính quyền địa phương cảnh báo nghiêm trọng về an toàn.
  • Sân bay hoặc hệ thống giao thông ngừng hoạt động hay bị đình trệ nghiêm trọng.
  • Điểm đến của bạn chịu ảnh hưởng nặng nề với nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất hoặc giao thông gián đoạn.

Giảm thiểu thiệt hại tài chính

Nếu nhà cung cấp dịch vụ như hãng hàng không, tàu xe, tour du lịch thông báo hủy chuyến do thiên tai, thông thường bạn sẽ được hoàn phí hoặc chuyến đổi lịch trình miễn phí.

Ngược lại, nếu bạn tự hủy chuyến đi, hay dời lịch trình, thiệt hại tài chính là khó tránh khỏi.

Tham khảo giá trị hoàn lại ước tính khi tự hủy chuyến bay của Vietnam Airlines. Ảnh chụp màn hình: Traveloka.
  • Kiểm tra các điều khoản hoàn tiền, thay đổi lịch trình: Với các chuyến bay, tùy loại vé và hãng bay sẽ có điều khoản hủy, đổi chuyến khác nhau. Các tour tham quan hay khách sạn cũng có quy định hủy, hỗ trợ dời lịch trình riêng. Bạn cần nắm rõ các điều khoản này khi đặt dịch vụ và liên hệ nhà cung cấp dịch vụ càng sớm càng tốt.
  • Kiểm tra bảo hiểm du lịch: Nếu bạn có mua bảo hiểm du lịch, hãy xem xét các quyền lợi bồi thường khi chuyến đi bị hủy do thời tiết xấu, hoặc hỗ trợ chi phí phát sinh khi phải thay đổi kế hoạch. Hãy chắc chắn bạn nắm rõ các điều khoản bồi thường và nội dung loại trừ, để đảm bảo khi có sự kiện xảy ra, bảo hiểm có giá trị.

Tiếp tục chuyến đi: Điều chỉnh lịch trình và lưu ý an toàn

Cập nhật tình hình dự báo thời tiết trong chuyến đi, để điều chỉnh lịch trình phù hợp và an toàn.

Nếu điểm đến của bạn không bị ảnh hưởng nặng, bạn vẫn có thể tiếp tục chuyến đi, nhưng nên linh hoạt thay đổi lịch trình đến các điểm đảm bảo an toàn hơn. Du lịch ở Hà Nội và các vùng lân cận ít chịu ảnh hưởng hơn, tránh đến những nơi xa xôi, hay có cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở. Cẩn trọng và trú ẩn ở nơi an toàn khi thời tiết xấu, mưa to gió lớn có thể gây ngập lụt và cây xanh ngã đổ.

Các lưu ý an toàn khác:

  • Chọn tuyến đường an toàn: Ưu tiên các tuyến đường lớn, không bị ngập lụt hay sạt lở, gián đoạn.
  • Liên hệ trước khi khởi hành: Hãy đảm bảo rằng khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ đều hoạt động bình thường.
  • Chuẩn bị hành lý đầy đủ: Đừng quên mang theo áo mưa, giày chống nước, sạc dự phòng, thức ăn nhẹ và thuốc cần thiết.

Điểm du lịch hoạt động sau bão Yagi

Chùa Trấn Quốc, nằm trên hòn đảo ở Hồ Tây, là ngôi chùa nổi tiếng và cổ nhất Hà Nội với hơn 1.500 năm lịch sử.

Nếu bạn có chuyến du lịch Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ngay sau bão Yagi, hãy tham khảo một số điểm du lịch:

  • Nội thành Hà Nội: Hồ Gươm và Đền Ngọc Sơn, Phố Cổ Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…
  • Các vùng phụ cận Hà Nội, tour trong ngày: Làng gốm Bát Tràng, Làng Hương Quảng Phú Cầu, Khu du lịch sinh thái và Vườn quốc gia Ba Vì, Chùa Tam Chúc (Hà Nam), các điểm du lịch tại Ninh Bình như Hoa Lư, Tràng An, Hang Múa, Tam Cốc – Bích Động. Vịnh Hạ Long cũng chính thức mở cửa trở lại và đón khách từ ngày 13/9.

Kết luận

Du lịch trong mùa bão đòi hỏi sự linh hoạt và tỉnh táo. Những thay đổi do thời tiết có thể khiến kế hoạch của bạn bị gián đoạn, nhưng việc đưa ra các quyết định đúng lúc sẽ giúp bảo vệ an toàn cho bạn và gia đình. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn, chủ động ứng phó và có chuyến du lịch an toàn, ngay cả khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Trường hợp phải hủy chuyến đi, hay dời lịch trình, bạn cũng hạn chế được thấp nhất những thiệt hại.

You may also like

Leave a Comment